Đà Lạt (Lâm Đồng) mỗi năm có hàng
trăm ngàn tấn phế phẩm nông nghiệp bị đổ bỏ, không chỉ lãng phí mà còn
gây ô nhiễm môi trường. Dù chưa được học về cơ khí nhưng sau hơn 2 năm
bỏ công sức và tiền bạc tìm hiểu, mày mò, năm 2006, chiếc máy xay trộn
phế phẩm nông nghiệp của anh Phúc đã ra đời.
Thấy hiệu quả chưa được như mong muốn, anh Phúc lại tiếp tục nghiên
cứu cải tiến, đến năm 2008, chiếc máy đã hoàn thiện. Với 2 bộ phận
chính là mô-tơ và cối xay, cùng với một băng chuyền, chiếc máy có thể
nghiền nhỏ, trộn đều các loại phế phẩm và một số phụ liệu nông nghiệp
để dùng làm phân hữu cơ. Bộ phận cối xay của máy được anh Phúc thiết kế
3 tầng, mỗi tầng có một chức năng khác nhau và có thể tháo rời để thuận
tiện trong việc sửa chữa hoặc thay mới. Tầng thứ nhất cắt phế phẩm nhỏ
ra; tầng đập búa thứ 2 sau đó sẽ nghiền phế phẩm nhỏ thêm một lần nữa;
tầng thứ 3 nghiền mịn, trộn đều rồi dùng quạt gió đẩy ra ngoài.
"Với dung lượng của cối xay trên 100 kg, để cân bằng lực ly tâm (nếu
không máy sẽ đổ), tôi đã dùng giải pháp bánh đà để tăng cường lực, vừa
để tăng công suất máy và đạt kết quả khả quan với công suất 10m3/giờ",
anh Phúc cho biết.
|
Anh Vũ Đình Phúc ngụ tại Nguyễn Siêu, P7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, ĐT: 0979.126828 |
|
Trước đây gia đình anh mua 1 tấn phân mất 1 triệu đồng thì nay chỉ
cần 200 - 300 ngàn đồng, tận dụng phế phẩm như lá sú, lơ hay một số
loại cây, cỏ, bã mía cùng tiền mua men vi sinh, phân dê hoặc bò… là đã
có từng đó phân để bón cho diện tích
1,5 ha rau hoa. Theo anh Phúc, khi bắt tay vào chế tạo máy, điều anh
trăn trở nhất là làm sao để cây trồng dễ hấp thu loại phân bón này, và
anh làm thử bằng cách lấy phân bón cho cây trong vườn nhà và hiệu quả
rất cao. Cây phát triển rất tốt, đất trong vườn nhà anh cũng được cải
thiện rõ rệt. "Đây là nguồn phân sạch và đạt chất lượng nên cây hấp thụ
rất tốt; chưa kể chi phí, trước kia vườn nhà tôi cho thu nhập 500 triệu
đồng/năm thì bây giờ là 1,5 tỉ đồng".
Chiếc máy xay phế phẩm nông nghiệp được thiết kế khá gọn và với cách
thức vận hành khá đơn giản. Nhờ nó, nông dân có thể tự tạo những loại
phân có độ đạm đảm bảo, tùy vào nhu cầu dưỡng chất của từng loại cây
trồng để tăng, giảm các loại đạm trong quá trình xay xát, pha trộn.
"Chỉ cần vài ngày xay là lượng phân có dùng cho cả năm" - anh Phúc nói.
Đến nay, anh Phúc đã chế tạo thành công 3 chiếc máy loại này và đang
sử dụng hiệu quả, trong đó, chiếc máy sáng chế đầu tiên hiện Viện
Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đang sử dụng.
Máy của anh Phúc có giá trên 30 triệu đồng, bằng 1/3 giá của những
chiếc máy cùng chức năng nhập khẩu đang bán trên thị trường. Khi hỏi
sao chưa đi đăng ký "độc quyền" nhãn hiệu hàng hóa, anh Phúc chỉ cười:
"Mình không có chủ trương sản xuất để bán, giúp được cho bà con là vui
rồi, đi đăng ký thủ tục này nọ mệt lắm".